2024-12-29 HaiPress
Tác phẩm của đạo diễn Trần Được,ra mắt dịp Tết âm lịch 2025,bắt đầu từ Mùng một Tết. Bối cảnh thời nhà Trần,chàng trai Phạm Hữu Thế nổi tiếng với tài lặn ngụp,được triều đình trọng dụng. Cùng Cao Mang,Đại Hành,Nguyễn Địa Lô,Dã Tượng,Phạm Hữu Thế trở thành một trong năm tùy tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương,được vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn).
Vở múa rối tái hiện Yết Kiêu chống giặc Nguyên Mông
Cảnh Yết Kiêu lặn sông đục chìm thuyền địch trong vở rối. Video: Nghinh Xuân
Trọng tâm vở múa nằm ở các cảnh thể hiện sự dũng cảm,lòng yêu nước,vị tha của nhân vật chính. Khi thủy quân Nguyên Mông tràn đến,Yết Kiêu nghĩ ra cách lặn sông buổi đêm,đục thuyền của giặc,khiến quân địch tổn thất nặng nề. Yết Kiêu từng bị giặc vây bắt nhưng nhanh trí thoát nạn.
Tác phẩm còn khắc họa khung cảnh an bình,nhộn nhịp của làng quê,với các cuộc thi thố tìm người khỏe mạnh,tài năng trong làng.
Đạo diễn cho biết êkíp nỗ lực bám sát dữ kiện lịch sử khi tái hiện nhân vật đồng thời cách điệu các trò cổ trong múa rối nước,mang hơi thở hiện đại vào tác phẩm. Êkíp ứng dụng công nghệ mới nhằm điều khiển con rối sinh động hơn.
Huyền sử Yết Kiêu có sự tham gia của các nghệ sĩ múa rối Văn Luân - Thanh Phương (vai Yết Kiêu),Thành Đoàn (Hưng Đạo Vương),Văn Lai (Trần Ích Tắc),Phú Cường (Đô Châu),Thanh Bình (Dã Tượng),Trung Hiếu (Ô Mã Nhi),Hoài Nam (tráng sĩ Bắc).
Nhân vật Yết Kiêu (phải) ở vở múa rối. Ảnh: Nghinh Xuân
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế (1242-1303),quê làng Hạ Bì,huyện Gia Lộc (nay là huyện Gia Lộc,tỉnh Hải Dương). Ông có công giúp nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông vào thế kỷ 13. Vua Trần phong tướng và tước Hầu cho Yết Kiêu: Triều Trần Hữu Tướng Đệ Nhất Bộ Đô Soái Thủy Quân,tước Hầu.
Nghinh Xuân