2024-12-23 IDOPRESS
Khi bị con vật bay vào tai,bà Hòa không biết là bướm,dùng nước muối sinh lý nhỏ vào tai "để nó tự trôi ra ngoài". Hai ngày sau,bà đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám,bác sĩ nội soi tai thấy con bướm kích thước khoảng 2x3 cm đã chết,dính vào ống tai trái tạo thành ổ viêm,sung huyết.
Ngày 23/12,ThS.BS.CKI Nguyễn Minh Tú,Trung tâm Tai Mũi Họng,cho biết con bướm gây viêm ống tai trái,chưa tổn thương cho tai giữa và màng nhĩ. Bác sĩ nội soi gắp con bướm chết ra ngoài,vệ sinh tai bệnh nhân và kê đơn thuốc điều trị viêm.
Ảnh con bướm đêm được gắp ra khỏi tai bà Hòa. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Khi bị côn trùng chui vào trong tai,nếu nó còn sống thường vùng vẫy,ngọ nguậy,thậm chí cắn khiến tai chảy máu,phù nề,thủng màng nhĩ,nhiễm trùng lâu ngày dẫn đến viêm tai giữa. Nhiễm trùng có thể lan rộng vào xương chũm và các tổ chức ở não gây viêm màng não,áp xe não,liệt mặt.
Dấu hiệu nhận biết côn trùng trong tai gồm cảm thấy lùng bùng,khó chịu,nghe tiếng vo ve hoặc cử động trong tai,đau nhói,chảy dịch,giảm thính lực. Bác sĩ Tú khuyến cáo người bệnh không tự ý nhỏ dầu,cồn vào tai vì có thể gây viêm nhiễm hoặc tổn thương sâu. Không đánh vào đầu,vào tai hay cố gắng dùng các vật dụng bắt côn trùng vì dễ khiến chúng chạy sâu vào bên trong. Người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để bác sĩ xử lý an toàn.
Cách xử trí ban đầu khi bị côn trùng chui vào tai là nằm nghiêng hoặc nghiêng đầu về phía tai côn trùng chui vào. Dùng nước muối sinh lý nhỏ ngập để côn trùng chết ngạt,sau đó nghiêng đầu cho nó rơi ra ngoài. Nếu không thấy côn trùng ra ngoài,nên đến bệnh viện để bác sĩ gắp dị vật,vệ sinh tai sạch sẽ,nhỏ thuốc để phòng ngừa viêm nhiễm.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp