2024-12-04 HaiPress
Chị Minh Nghi,sinh sống tại TP HCM,cho biết đang dự định làm visa Hàn Quốc cho gia đình 4 người,du lịch vào dịp Tết Âm lịch. Các thành viên trong gia đình chị Nghi đều có hộ chiếu trắng,chưa từng ra nước ngoài. Chị lo lắng sau vụ 38 khách "mất tích" tại Jeju,việc xin visa Hàn tự túc sẽ gặp khó khăn. Gia đình chị Nghi hiện chưa chốt mua vé máy bay vì lo thị thực không được duyệt.
"Có thể chúng tôi sẽ mua tour hoặc làm dịch visa qua dịch vụ khoảng 2,5 triệu đồng một hồ sơ,nếu không được sẽ đổi hướng đi Thái Lan hoặc Singapore",chị Nghi nói.
Du khách làm thủ tục ở sân bay Busan đi Jeju,ảnh chụp 14/11. Ảnh: Du Lịch Việt
Cơ quan quản lý du lịch đảo Jeju của Hàn Quốc hôm 3/12 xác nhận 38 trong số 90 du khách Việt Nam đến đảo trên chuyến bay charter ngày 14/11 đã đột ngột cắt liên lạc và biến mất tại điểm tham quan cuối cùng theo lịch trình ngày 17/11.
Nhóm du khách này đến Jeju từ Nha Trang,theo chương trình miễn visa,một phần trong đạo luật phát triển du lịch địa phương của đảo. Chương trình cho phép người nước ngoài từ 64 quốc gia,trong đó có Việt Nam,lưu trú tại đảo Jeju tối đa 30 ngày không cần visa. Sở Di trú Jeju đang trích xuất hình ảnh từ camera an ninh để tìm kiếm nhóm du khách. Những người này sẽ bị coi là cư trú bất hợp pháp sau ngày 14/12,thời điểm hạn lưu trú miễn visa 30 ngày kết thúc.
Các công ty lữ hành lo ngại Hàn Quốc sẽ siết chặt việc xét duyệt visa sau vụ việc này. Tổng giám đốc Nguyễn Công Hoan của Flamingo Redtours nói tour du lịch đang bị một số đối tượng xấu lợi dụng để trốn lại Hàn Quốc,lao động bất hợp pháp. Điều này tạo áp lực lên các công ty lữ hành,buộc phải kiểm tra kỹ hơn về thông tin cá nhân khách hàng,đôi khi khiến họ thấy không thoải mái.
Ông Phạm Anh Vũ,Phó tổng giám đốc Du lịch Việt nhận định uy tín của các công ty lữ hành bị ảnh hưởng khi đối tác địa phương có thể nghi ngờ về khả năng quản lý khách hàng. Mặc dù chưa có thông báo chính thức,ông Vũ cho biết khả năng áp dụng lại yêu cầu visa đến Jeju đối với du khách Việt là có thể xảy ra.
Theo đại diện một đơn vị lữ hành lớn ở TP HCM,công ty có khách trốn lại Hàn Quốc có thể bị liệt vào danh sách xem xét không được cấp những hạn mức,chỉ tiêu xin visa; khách nộp từ công ty lữ hành này không được duyệt trong thời gian nhất định. Hướng dẫn viên phụ trách đoàn khả năng cao không còn cơ hội quay lại Hàn Quốc,liên tục phải trình diện cơ quan điều tra,ảnh hưởng tới công việc,thu nhập.
"Hàn Quốc là điểm du lịch hàng đầu của khách Việt nhưng thủ tục cấp visa ngày càng khó khăn,thậm chí khó ngang xin visa vào Nhật Bản",người này nói.
Sau sự việc này,các công ty lữ hành đang thực hiện những biện pháp chặt chẽ hơn để tránh trường hợp tương tự. Phó giám đốc Lưu Thị Thu của Hoàng Việt Travel nói công ty tiếp tục nâng cao năng lực của bộ phận kiểm duyệt hồ sơ xin thị thực,xem xét cẩn trọng hơn những tiêu chí xét duyệt để đảm bảo quyền lợi của khách du lịch chân chính.
Trong khi đó,đại diện Du lịch Việt nghĩ cần có cơ chế và hành lang pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với cơ quan chức năng trong việc cập nhật thông tin,kiểm tra lịch sử du lịch của khách. Các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo nhân viên,giúp nhận diện sớm các dấu hiệu rủi ro từ hồ sơ của khách.
Ngoài sự cố 38 khách Việt mất liên lạc tại Jeju,Hàn Quốc cũng đang chịu tác động du lịch sau quyết định ban hành thiết quân luật của Tổng thống Hàn Quốc tối 3/12 và gỡ bỏ vài giờ sau đó. Theo ông Vũ,những sự kiện này gây lo ngại về an ninh,khiến du khách e dè khi chọn du lịch Hàn Quốc,từ đó làm giảm nhu cầu du lịch và ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty lữ hành.
Bích Phương - Tú Nguyễn